Dòng điện máy AED có nguy hiểm không?| Wellbeing

2021-11-03 09:55:00

Máy khử rung tim tự động ngoài lồng ngực (AED) phóng ra một xung điện với năng lượng lớn nhằm mục đích triệt tiêu những ổ phát nhịp bất thường trên tim, tạo điều kiện để tim có thể đập bình thường trở lại. Vậy với năng lượng cao thì dòng điện từ máy AED có gây nguy hiểm cho nhân viên cứu hộ không? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé.

BS Nguyễn Hoàng Nguyên: Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống
Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing

Máy khử rung tim tự động ngoài lồng ngực (AED) phóng ra một xung điện với năng lượng lớn nhằm mục đích triệt tiêu những ổ phát nhịp bất thường trên tim, tạo điều kiện để tim có thể đập bình thường trở lại. Vậy với năng lượng cao thì dòng điện từ máy AED có gây nguy hiểm cho nhân viên cứu hộ không? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé.

1. Tác dụng điện của máy khử rung tim tự động ngoài lồng ngực.
Máy khử rung tim tự động ngoài lồng ngực có khả năng phân tích hoạt động điện của tim, từ đó có thể đánh giá được những rối loạn mà nạn nhân ngừng tim đột ngột đang gặp phải. Dựa trên những rối loạn này mà máy có thể báo cho người sơ cấp cứu biết phải xử trí tiếp theo như thế nào. Ví dụ như tiếp tục hồi sức tim phổi hay sốc điện cho nạn nhân.

Máy AED có 2 điện cực được gắn lên người nạn nhân ở vị trí bên phải xương ức (dưới xương đòn) và mạn sườn trái tương ứng với đáy tim và mỏm tim. Dòng điện được máy AED phóng ra có cường độ 20 ampe, hiệu điện thế từ 750V đến 800V và năng lượng là 150 đến 200J. Dòng điện được phóng từ bản cực bên phải sang bản cực bên trái trong vòng 0,1 giây.

Hiện nay dòng điện được sử dụng trong máy AED hầu hết là dòng điện 2 pha. Dòng điện 2 pha có nhiều lợi ích hơn dòng điện 1 pha như ít năng lượng cần sử dụng từ đó ít gây chấn thương cho nạn nhân và ít tốn pin hơn. Ngoài ra tỷ lệ thành công trong phát sốc đầu tiên của máy AED dùng điện 2 pha là 90% trong khi tỷ lệ này ở dòng điện 1 pha chỉ là 60%.

2. Dòng điện từ máy AED có nguy hiểm cho nạn nhân và người sơ cấp cứu không?
Đối với nạn nhân, do nguồn điện tác động trực tiếp qua tim nhờ hai bản cực và thời gian tác động nhanh nên đảm bảo an toàn tuyệt đối, không gây ra những tổn thương bộ phận khác trên cơ thể. Tuy nhiên, lông ngực có thể bị cháykhi dòng điện tác động. Do đó, với những nạn nhân có nhiều lông ngực, hãy loại bỏ lông trước khi đặt các tấm điện cực để hạn chế tổn thương trên da. Hành động này cần làm nhanh, không làm tốn thời gian của việc khử rung và hồi sức tim phổi. Yêu cầu của người sơ cấp cứu là hạn chế tối đa việc dừng ép tim.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng dừng ép tim trong 13s sẽ làm giảm 40% lưu lượng máu đến mạch vành (mạch máu nuôi dưỡng tim). Tuy nhiên, việc ép tim bị gián đoạn sẽ xảy ra trong khi chúng ta sử dụng máy AED trên người nạn nhân. Vì người sơ cấp cứu sẽ phải đối diện với dòng điện lên đến 20A, trong khi đó chỉ cần 9mA (0,009A) có thể gây co giật cơ, 80mA có nguy cơ gây rung thất và 3A đã gây những tổn thương não như mất ý thức, bất tỉnh. Do đó, tuyệt đối không chạm vào người của nạn nhân khi máy AED đang thực hiện cú sốc điện. Hãy đảm bảo không gian xung quanh an toàn (không ai chạm vào người nạn nhân) trước khi sốc điện.


Lưu ý, khi máy AED đang phân tích chúng ta cũng tránh không chạm vào vì có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân tích của máy.

Bình luận:

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận:
Tin tức Wellbeing