Hướng dẫn kỹ thuật hà hơi thổi ngạt

2024-10-22 15:04:11

Kỹ thuật hà hơi thổi ngạt (hay còn gọi là hô hấp nhân tạo) là một kỹ năng quan trọng trong việc cứu người khi họ gặp phải tình trạng ngưng thở hoặc ngừng tim do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về kỹ thuật này, cách thực hiện đúng cách và những lưu ý quan trọng.

1. Kỹ thuật hà hơi thổi ngạt là gì?

Hà hơi thổi ngạt là một phương pháp cấp cứu nhằm cung cấp oxy cho người bị ngừng thở. Phương pháp này được sử dụng phổ biến trong các tình huống cấp cứu khẩn cấp như đuối nước, ngộ độc, hoặc khi một người bất tỉnh do chấn thương. Khi xung quanh không có bác sĩ, nhân viên y tế hoặc dụng cụ y tế hỗ trợ thì phương pháp hà hơi thổi ngạt là phương pháp sơ cứu an toàn. Đây là phương pháp không khó làm, mọi người trong cộng đồng có thể dễ dàng tiếp cận, tuy nhiên nếu không nắm được phương pháp thì cũng dễ lúng túng khi có tình huống nguy cấp xảy ra.

Hiện tượng tim ngừng đập hoặc ngừng thở là những tình huống khẩn cấp đòi hỏi sự can thiệp ngay lập tức. Kỹ thuật hà hơi thổi ngạt trở thành một phương pháp sơ cứu người quan trọng. Trong những khoảnh khắc quyết định, việc biết cách thực hiện phương pháp này có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Hà hơi thổi ngạt giúp cung cấp oxy kịp thời, duy trì sự sống và ngăn ngừa tổn thương não do thiếu oxy.

Kỹ thuật này có thể giúp cứu sống người trong những tình huống khẩn cấp. Kỹ thuật này cũng dễ dàng thực hiện đối với mọi người. Với một ít hướng dẫn, bất kỳ ai cũng có thể học và thực hành cũng như áp dụng vào thực tiễn khi có tình huống nguy cấp xảy ra.

2. Cách thực hiện hà hơi thổi ngạt

Bước 1: Đánh Giá Tình Hình

  • Kiểm tra an toàn: Trước khi tiếp cận nạn nhân, phải chú ý khu vực xung quanh để đảm bảo an toàn cho bạn và cả nạn nhân. Giữ bình tĩnh và không hoảng loạn, tiếp cận nạn nhân cẩn thận, thực hiện các bước sơ cứu một cách chính xác. Kiểm tra an toàn là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình cấp cứu. Đảm bảo rằng bản thân an toàn sẽ giúp bạn thực hiện các bước cứu hộ hiệu quả hơn và bảo vệ tính mạng của cả nạn nhân và bản thân. 
  • Kiểm tra ý thức: Gọi tên hoặc nhẹ nhàng lắc vai để xem nạn nhân có phản ứng không. Đây là cách để giúp kiểm tra xem nạn nhân có còn tỉnh hay không tỉnh. Hãy gọi cấp cứu hoặc nhờ người khác hỗ trợ gọi cấp cứu trong trường hợp người bị nạn ở trạng thái bất tỉnh. Quan sát ngực để xem có chuyển động hay không. Nếu không thấy thở trong 10 giây, bắt đầu thực hiện hà hơi thổi ngạt. Lưu ý khi bạn chỉ có một mình, đánh giá tình hình và tiến hành thực hiện sơ cấp cứu hà hơi thổi ngạt ngay trong 2 phút đầu tiên trước khi gọi cấp cứu. Điều này có thể cứu sống người gặp nạn.

Bước 2: Tìm vị trí và làm thông đường thở cho nạn nhân

  • Đặt người bệnh nằm trên mặt phẳng cứng. Quỳ xuống bên cạnh cổ và vai người bị nạn, kiểm tra đường thở nạn nhân. Làm sạch đường thở bằng cách móc hết ngoại vật, đờm dãi, dị vật. Có thể dùng ngón tay quấn vải sạch trong trường hợp này, nhưng lưu ý cẩn thận để không gây thêm tổn thương cho nạn nhân.
  • Ngửa đầu và nâng cằm lên để thông đường hô hấp. Dùng một tay giữ trán nạn nhân và tay còn lại đẩy cằm ra trước để mở rộng đường hô hấp. Đặt tai mình gần miệng và mũi nạn nhân để nghe âm thanh thở. Kết hợp quan sát chuyển động của ngực trong khoảng 10 giây. Nếu thấy âm thanh lạ, thở yếu hoặc không có âm thanh và không có chuyển động ngực. Ngay lập tức thực hiện hà hơi thổi ngạt.

Bước 3: Thực Hiện Hà Hơi Thổi Ngạt

Hà hơi thổi ngạt theo kiểu miệng - miệng là một phương pháp cấp cứu nhằm cung cấp oxy cho người bị ngừng thở hoặc ngừng tim. Kỹ năng này rất quan trọng áp dụng trong những tình huống khẩn cấp. 

  • Bịt mũi: Dùng ngón tay để kẹp mũi nạn nhân lại. Bịt mũi giúp ngăn không khí thoát ra ngoài khi bạn thổi hơi vào miệng nạn nhân. Điều này đảm bảo rằng oxy được truyền vào phổi của họ, tăng hiệu quả của việc hà hơi thổi ngạt.
  • Thổi hơi vào miệng: Đặt miệng bạn lên miệng người bệnh và thổi hơi vào (có thể dùng một miếng gạc mỏng), đảm bảo không có không khí thoát ra ngoài. Thực hiện thổi ngạt khoảng 2 lần, mỗi lần thổi kéo dài khoảng 1 giây. Sau đó, kiểm tra nhịp thở. Quan sát xem lồng ngực có nâng lên không, thực hiện lặp lại. Kỹ thuật này có thể kết hợp với phương pháp ép tim ngoài lồng ngực nếu cần thiết (30 lần ép sau đó thực hiện 2 lần thổi ngạt).

3. Lưu ý khi thực hiện kỹ thuật hà hơi thổi ngạt

  • Chỉ thực hiện khi cần thiết: Đảm bảo đánh giá đúng tình hình, nạn nhân thực sự không thở trước khi bắt đầu tiến hành hà hơi thổi ngạt. Nếu nạn nhân vẫn thở, việc thực hiện hà hơi thổi ngạt có thể gây tổn thương cho phổi và thực sự không cần thiết.
  • Không thổi quá mạnh: Việc thổi hơi quá mạnh có thể gây tổn thương phổi hoặc làm người bệnh bị tràn khí. Trong thực tế, mỗi lần thổi vào miệng nạn nhân nên kéo dài khoảng một giây, và khi bạn thấy ngực của họ phồng lên, đó chính là dấu hiệu cho thấy không khí đã vào bên trong. Thay vì tập trung vào sức mạnh của hơi thổi, bạn nên chú ý đến việc tạo ra một dòng không khí ổn định và liên tục.  Điều này sẽ giúp tăng cơ hội hồi phục cho người gặp nạn trong những giây phút quyết định.
  • Gọi cấp cứu: Trong mọi trường hợp, hãy gọi ngay cho dịch vụ cấp cứu sau khi bắt đầu thực hiện hà hơi thổi ngạt. Ngừng thở hoặc ngừng tim là tình huống khẩn cấp và càng sớm có sự can thiệp của đội ngũ y tế, càng tăng cơ hội sống sót cũng như giảm các biến chứng cho nạn nhân.

Kỹ thuật hà hơi thổi ngạt là một kỹ năng quan trọng mà mỗi người nên biết. Trong những tình huống khẩn cấp, khả năng thực hiện đúng kỹ thuật này có thể cứu sống một mạng người. Hãy trang bị cho mình kiến thwucs và tham gia các lớp hướng dẫn  thực hành để sẵn sàng khi cần thiết và kịp thời

Bình luận:

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận:
Tin tức Wellbeing