Nguyên nhân của rối loạn nhịp tim: Hiểu để bảo vệ sức khỏe tim mạch
Rối loạn nhịp tim là một tình trạng phổ biến mà nhiều người gặp phải, ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và chất lượng cuộc sống. Hiểu rõ nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp tim sẽ giúp bạn có biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả hơn.
Dễ nhận thấy rối loạn nhịp tim bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau gồm những nguyên nhân bất thường, nguyên nhân từ chính bệnh lý của tim gây ra, hoặc bệnh tuyến giáp,...
Cấu trúc và nhịp đập của tim
Để hiểu về các nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhịp tim, trước hết chúng ta cần hiểu về cách tim hoạt động. Tim là một cơ quan quan trọng trong hệ tuần hoàn, có nhiệm vụ bơm máu đi khắp cơ thể. Tim có bốn ngăn chính. Hai buồng tâm nhĩ (trái và phải) phía trên nhận máu từ cơ thể và phổi. Hai buồng tâm thất (trái và phải) dưới bơm máu ra khỏi tim.
Tim có một hệ thống điện (xung điện) giúp điều chỉnh nhịp đập tự nhiên và nhịp nhàng. Hệ thống điện này được tạo ra bởi nút xoang. Nút xoang nằm ở tâm nhĩ phải, là "nhà máy điện sinh học" tự nhiên, tạo ra xung điện làm tim co bóp để bắt đầu mỗi nhịp tim. Tiếp theo xung điện này truyền đến nút nhĩ thất, đóng vai trò nhận xung điện từ nút xoang và làm chậm lại một chút trước khi truyền đến các tâm thất (cho phép buồng tâm thất chứa đầy máu) và làm tâm thất co lại và bơm máu đến phổi và toàn cơ thể, nút nhĩ thất giúp tâm nhĩ và tâm thất co bóp một cách đồng bộ.
Tim có khả năng điều chỉnh lưu lượng máu dựa trên nhu cầu của cơ thể. Khi bạn hoạt động mạnh, tim sẽ bơm nhiều máu hơn đến các cơ và mô. Đối với người khỏe mạnh, nhịp tim lúc nghỉ ngơi bình thường là 60 đến 100 nhịp mỗi phút.
Các nguyên nhân chính thường gặp của rối loạn nhịp tim
Bất kỳ yếu tố nào ảnh hưởng đến khả năng tự động hoặc khả năng dẫn truyền của tim đề có thể gây rối loạn nhịp tim. Dưới đây là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.
Bệnh về tim mạch
Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn nhịp tim là các bệnh tim mạch như bệnh động mạch vành, suy tim, hoặc viêm cơ tim. Các bệnh lý này có thể làm giảm khả năng hoạt động bình thường của tim, dẫn đến nhịp tim không ổn định. Ngoài ra bệnh tim bẩm sinh cũng là nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhịp tim.
Rối loạn cân bằng điện giải
Cân bằng điện giải trong cơ thể đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhịp tim ổn định. Các chất điện giải như kali, natri, magie và canxi cần được cân bằng. Sự thiếu hụt hoặc dư thừa một trong những chất này có thể ảnh hưởng đến khả năng tự động và khả năng dẫn truyền gây ra rối loạn nhịp tim.
Tác dụng phụ của thuốc
Nhiều loại thuốc, đặc biệt là thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp, và thuốc trị loạn nhịp tim, có thể gây ra rối loạn nhịp tim như một tác dụng phụ.
Căng thẳng và lo âu
Căng thẳng và lo âu có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có rối loạn nhịp tim. Hormone stress như adrenaline có thể làm tăng nhịp tim, dẫn đến cảm giác hồi hộp và lo lắng.
Lối sống không lành mạnh
Chế độ ăn uống không hợp lý, thiếu vận động, uống rượu và hút thuốc lá đều có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch, dẫn đến rối loạn nhịp tim. Việc duy trì một lối sống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ này.
Một số bệnh khác
Ngoài các nguyên nhân trên, một số tình trạng y tế khác như bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp, và bệnh phổi mãn tính cũng có thể góp phần vào sự phát triển của rối loạn nhịp tim.
Sự lão hóa của các tế bào
Sự lão hóa của tế bào dẫn truyền và tế bào cơ tim là một phần không thể tránh khỏi của quá trình lão hóa, xuất hiện ở những người cao tuổi. Sự lão hóa của các tế bào ở hệ dẫn truyền ở tim và các tế bào cơ tim có thể ảnh hưởng lên khả năng tự động và khả năng dẫn truyền gây rối loạn nhịp tim.
Rối loạn nhịp tim là một tình trạng không nên xem nhẹ, có nhiều trường hợp có thể vô hại, nhưng cũng rối loạn nhịp tim cũng có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như: ngừng tim đột ngột, nhồi máu cơ tim…. Việc hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe tim mạch của bản thân. Nếu bạn gặp các triệu chứng như tim đập nhanh, hồi hộp hay khó thở, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Bình luận:
Không có bình luận nào cho bài viết.